Cảnh báo người dân bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức cập nhật thông tin trên ứng dụng định danh điện tử VNeID
Từ ngày 1/7/2025, trên ứng dụng định danh điện tử VNeID, địa chỉ thường trú và quê quán của người dân được tự động cập nhật theo địa giới hành chính mới. Do đó, người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu công dân cung cấp thông tin hoặc truy cập đường link lạ để cập nhật quê quán.
Theo cơ quan Công an, gần đây xuất hiện các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo công dân. Các đối tượng này thường mạo danh cán bộ Công an hoặc cơ quan chức năng, liên hệ với người dân qua điện thoại hoặc các nền tảng mạng xã hội (như Zalo, Facebook,...) để hướng dẫn "cập nhật" thông tin về quê quán, địa chỉ cư trú trên ứng dụng VNeID.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là yêu cầu công dân cung cấp thông tin cá nhân, mã xác thực OTP, hoặc thậm chí là yêu cầu cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc (có thể chứa mã độc) với mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và tài sản của nạn nhân.
Việc cập nhật thông tin theo địa giới hành chính mới nơi hộ khẩu, nơi đăng ký khai sinh, quê quán trên ứng dụng VNeID là do Bộ công an sẽ tự cập nhật cho người dân. Do đó, tất cả số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu người dân cập nhật, gửi đường link lạ thì đều là các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập các tỉnh, thành nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Bên cạnh việc cảnh giác với các đối tượng lợi dụng việc sáp nhập các tỉnh thành phố để thực hiện hành vi lừa đảo, hiện nay xuất hiện tình trạng một số người dân đăng lên các nền tảng mạng xã hội dữ liệu cá nhân đã được cập nhật trên ứng dụng VNeID. Trên mạng xã hội, không ít chủ tài khoản đã chụp màn hình giao diện VNeID có đầy đủ nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại đăng ký căn cước công dân (CCCD), ngày cấp, đặc điểm nhận dạng...
Chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo việc làm trên có thể vô tình cung cấp thông tin chi tiết cho những đối tượng xấu đang muốn tìm dữ liệu cá nhân của công dân. Với công nghệ hiện nay, từ những dữ liệu mà người dân đăng tải trên mạng, các đối tượng có thể sử dụng công nghệ để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả. Vì vậy người dân cần nêu cao cảnh giác không nên đăng tải thông tin chi tiết dữ liệu cá nhân lên các trang mạng xã hội để kẻ xấu thu thập, thực hiện hành vi pham tội.
Ban biên tập