 |
Bộ trưởng Lương Tam Quang và các đại biểu dự Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Thượng tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học…
 |
Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận làm rõ hơn về nội hàm kỷ nguyên mới, thời đại mới, về “thế” và “lực” từ giá trị địa chiến lược đặc thù, cũng như vận hội lớn trong kỷ nguyên số; phát huy ý chí tự lực, tự cường để vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện 4 nghị quyết đột phá - “Bộ Tứ trụ cột”, trên cơ sở sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương hai cấp, tạo ra bước chuyển chiến lược, nhằm hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo định hướng tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời nghiên cứu, thảo luận làm rõ những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Bối cảnh mới đặt ra nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, nhiều việc chưa từng có tiền lệ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết sách mới, quyết tâm và hành động mới.
 |
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo. |
Trong những năm qua, Đảng ta đã xác định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả của sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới trong nhiều năm vừa qua. Đây là nhiệm vụ chiến lược, hệ trọng, thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của nhà nước.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã có sức lan tỏa, gần hoàn thiện cơ chế để giải quyết có hiệu quả sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh trong không gian phát triển mới. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế phát triển của từng tư duy quản lý, kiểm soát, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Khơi thông các nguồn lực, phân bổ hiệu quả và sử dụng hợp lý để tạo động lực cho phát triển, đó chính là tư duy đổi mới, sáng tạo, đồng hành, phá bỏ mọi rào cản, nút thắt, giải phóng mọi nguồn lực, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những nội dung để các đại biểu, các nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan lực lượng vũ trang trao đổi, chia sẻ, làm sáng tỏ các kết quả nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới…
 |
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
|
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích các cơ sở lý luận và thực tiễn về sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với các nội dung như: Một số vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong kỷ nguyên mới; Nhận diện các nguy cơ, thách thức đối với an ninh quốc gia Việt Nam trong kỷ nguyên mới; Phát huy giá trị địa chiến lược của Việt Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong kỷ nguyên mới...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi tham luận rất quan trọng với chủ đề: “Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, cần phải tập trung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND, CAND và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng trong QĐND, CAND thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 |
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tổng kết Hội thảo. |
Về những vấn đề đặt ra đối với bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới không chỉ là bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ nền văn hóa và uy tín vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong, kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh, giữ vững củng cố môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực và thế giới. Cao hơn nữa, tư duy bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải nhằm tạo ra, thúc đẩy, nắm bắt, tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển đất nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải tạo ra động lực mới góp phần không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Cùng với đó, tích cực nghiên cứu hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy tinh nhuệ hiện đại, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng trong mọi hình thái chiến tranh, đặc biệt chiến tranh công nghệ cao; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh, chủ động tự lực tự cường, lưỡng dụng hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, đặc biệt là công nghệ viễn thông, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, công nghệ sinh học.
 |
Bộ trưởng Lương Tam Quang cùng các đại biểu dự Hội thảo. |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị sau Hội thảo, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an