 |
Ảnh Công trình sụp đổ do động đất tại Myanmar (Ảnh sưu tầm) |
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất do sự dịch chuyển các mảng thạch quyển hoặc các đứt gãy dưới mặt đất và truyền qua các khoảng cách xa, có thể gây ra biến dạng mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, gây thiệt hại tính mạng con người. Động đất thường khó lường trước được, tuy nhiên việc nắm được những biện pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau khi động đất xảy ra là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.
1. Trước khi xảy ra động đất:
Nếu ở các khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm nước uống đóng chai, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, dụng cụ y tế, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không đặt vật nặng lên các kệ cao, tránh kê giường và tủ quần áo gần cửa kính. Những đồ vật có thể rơi đổ trong nhà nên được cố định chắc chắn vào tường. Các đồ vật nặng như kệ sách, tủ đựng đồ cần được bố trí xa các lối đi và đường thoát hiểm.
Đối với cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng, việc nắm rõ các lối thoát hiểm là vô cùng quan trọng. Hãy luôn theo dõi sát sao các thông báo và chỉ dẫn từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có những hành động ứng phó kịp thời và an toàn.
 |
Ảnh minh họa công tác chuẩn bị (Ảnh sưu tầm) |
2. Khi xảy ra động đất:
- Khi đang ở tòa nhà:
+ Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở, dùng một tay giữ chặt vào vật đang che chắn. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất. Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn.
+ Nếu đang ở cách xa vị trí có các vật che chắn được, hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, thực hiện động tác quỳ gối xuống và dùng tay che đầu.
 |
Ảnh minh họa việc ẩn nấp khi có động đất (Ảnh sưu tầm) |
- Xử lý nguồn nhiệt và thiết bị điện:
+ Nếu trận động đất nhẹ: nhanh chóng khóa van gas, tắt các thiết bị điện và tìm nơi trú ẩn an toàn.
+ Nếu động đất mạnh: sau khi đợt rung chấn đầu tiên kết thúc, mới tiến hành khóa van gas và tắt thiết bị điện để tránh nguy hiểm.
- Chú ý việc thoát hiểm:
+ Trong trường hợp động đất nhẹ hoặc sau khi kết thúc rung chấn lần thứ nhất, nên mở cửa ra vào và cửa sổ để tạo lối thoát hiểm đề phòng cửa bị kẹt do biến dạng công trình.
+ Tuyệt đối không rời khỏi nhà khi đang có động đất để tránh bị thương do vật liệu xây dựng hoặc đồ đạc rơi trúng.
- An toàn khi sử dụng thang máy:
+ Không sử dụng thang máy trong bất kỳ tình huống động đất nào.
+ Nếu đang ở trong thang máy khi xảy ra động đất mà hệ thống điện vẫn hoạt động, hãy lập tức rời khỏi thang máy và tìm nơi trú ẩn trong tòa nhà.
+ Nếu thang máy bị mất điện, hãy nằm xuống sàn, dùng tay che đầu để bảo vệ, chờ đến khi hệ thống hoạt động trở lại hoặc hết rung chấn thì gọi cứu trợ. Sau đó, sử dụng thang bộ để di chuyển.
- Khi đang đi ngoài đường: Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì nên lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, dây điện, pano quảng cáo, cây to… Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường, tránh xa các trụ điện, dây điện, cầu, cầu vượt, đường dốc.
- Nếu không may bị mắc kẹt dưới đống đổ nát:
+ Hãy giữ bình tĩnh, không nên cố di chuyển; sử dụng áo hoặc khăn để bảo vệ mũi, miệng.
 |
Ảnh minh họa thao tác (Ảnh sưu tầm) |
+ Không dùng bật lửa hoặc diêm để đốt sáng để đề phòng nguy cơ cháy, nổ do các hỗn hợp bụi, khí dễ cháy phát sinh trong quá trình sụp đổ; không la hét khi khói bụi vẫn còn.
+ Nếu bị mắc kẹt trong không gian hẹp, hãy tìm mọi cách ra hiệu cho mọi người biết (gọi điện thoại, soi đèn hoặc gõ, đập mạnh vào các tấm, ống kim loại gần đó).
3. Sau khi động đất xảy ra:
Giúp đỡ mọi người xung quanh, tìm kiếm người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy (nếu cần thiết).. Luôn cảnh giác với dư chấn và thường xuyên cập nhật tin tức, thông báo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.