Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Sáng Thứ 2 ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước 2023 (tỉ lệ 87,25% đại biểu Quốc hội thông qua). Luật Căn cước 2023 gồm 7 Chương, 46 Điều; Luật Căn cước 2023 sẽ thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014.
Để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của thẻ Căn cước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, Công an tỉnh Lào Cai giới thiệu, giải thích thêm về những điểm thay đổi nổi bật giữa Luật Căn cước công dân 2014 và Luật Căn cước 2023 như sau:
1. 06 điểm mới nổi bật của Luật Căn cước 2023
Sẽ đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước
1.1. Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành Căn cước
Song song với việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước thì tên thẻ CCCD cũng được đổi thành thẻ Căn cước cho ngắn gọn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, tại khoản 1, khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước giải thích nghĩa của thuật ngữ Căn cước và thẻ Căn cước như sau:
- Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.
- Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho biết việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
1.2. Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/1/2025
Đối với thẻ CCCD đang còn giá trị sử dụng thì người dân vẫn tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn hoặc có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì Khoản 2, Điều 46, Luật Căn cước quyết định hạn chấm dứt sử dụng Giấy CMND, cụ thể:
Theo quy định trên thì người đã được cấp thẻ CCCD trước ngày 01/7/2024 thì không cần phải đổi sang thẻ Căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Giấy CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Giấy CMND chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng, do đó, người dân chưa đổi sang thẻ CCCD thì cần phải thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD càng sớm càng tốt hoặc đợi đến ngày thẻ Căn cước được ban hành thì người dân có thể đổi sang thẻ Căn cước mới.
1.3. Không còn thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước
Theo Luật Căn cước công dân hiện hành quy định trên mặt thẻ CCCD gồm các thông tin sau:
- Mặt trước: Quốc huy, dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Căn cước công dân”, ảnh, số thẻ, họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú và ngày tháng năm hết hạn.
- Mặt sau: Lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm cấp thẻ; họ tên chữ đệm, dấu, chức danh và chữ ký của người cấp thẻ.
Thì hiện nay, Luật Căn cước được thông qua có nội dung trên thẻ Căn cước gồm các thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
- Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;
- Ảnh khuôn mặt;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;
- Nơi cấp: Bộ Công an.
Như vậy, so với hình thẻ CCCD, thẻ Căn cước đã bỏ mục quê quán thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; và nơi cư trú; bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng.
1.4. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước
Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Căn cước như sau:
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Như vậy, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên.
1.5. Sẽ bổ sung thông tin sinh trắc học nhiều thông tin khác của công dân
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...
Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đặc biệt, đã cho phép công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu.
Cán bộ Công an làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho công dân
1.6. Rút ngắn thời gian cấp đổi thẻ Căn cước không quá 07 ngày
Theo Điều 26, Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 25, Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:
- Tại thành phố, thị xã
+ Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày
+ Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.
- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.
- Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.
2. Lý do ban hành Luật Căn cước 2023 để sửa đổi Luật Căn cước công dân 2014
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:
2.1. Để thuận tiện cho chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính
Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Trong khi đó, Luật Căn cước công dân không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ Căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, tổ chức chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
2.2. Để thuận lợi cho việc triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia
Theo Điều 9, Điều 15, Luật Căn cước công dân 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1, Điều 37, Luật Cư trú 2020) thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin; tuy nhiên, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật Căn cước công dân 2014 nêu trên sẽ gây khó khăn nhất định khi triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
2.3. Để cấp số định danh cho trường hợp người gốc Việt Nam nhưng là người không quốc tịch
Luật Căn cước công dân 2014 không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp nêu trên cần phải có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Luật Căn cước công dân 2014 chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam... Luật Căn cước công dân 2014 chưa có quy định về cấp lại thẻ Căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống cấp Căn cước công dân nên có trường hợp công dân vừa được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng... đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để thực hiện cấp lại thẻ Căn cước công dân khác.
2.4. Nhằm hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân
Luật Căn cước công dân 2014 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân; tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về Chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, cần bổ sung vào Luật Căn cước công dân 2014 quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.
2.5. Luật hóa các quy định quan trọng nhằm phù hợp với Hiến pháp 2013
Hiện nay, các quy định của Luật Căn cước công dân 2014 về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát. Luật Căn cước công dân 2014 mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử. Quy định pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật; trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013 là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật, bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lào Cai