Tại một số tỉnh, đã phát hiện các đối tượng làm giả văn bản của một cơ sở giáo dục tại địa phương để gửi cho sinh viên. Văn bản giả mạo có nội dung thể hiện sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khoá du học quốc tế tại Hàn Quốc, kèm theo là các chương trình học bổng với mức tài trợ lên đến 100% chi phí. Để được xét tuyển “học bổng ưu đãi” này, đối tượng lừa đảo đã hướng dẫn sinh viên liên lạc với ngay với gia đình để “minh chứng tài chính” bằng cách chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, gia đình của sinh viên trên đã thông báo kịp thời cho nhà trường và tố giác vụ việc với cơ quan Công an nên đã ngăn chặn được thiệt hại.
 |
Thông báo du học do đối tượng mạo danh các trường Đại học. |
Công an tỉnh đề nghị các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên và người dân cần chủ động cảnh giác vơi phương thức trên và nếu có nhu cầu du học cần thực hiện những khuyến cáo sau:
1. Kiểm tra kỹ thông tin trường Đại học, trung tâm tuyển sinh hoặc các trung tâm tư vấn du học. Tra cứu trường trên website chính thức của Bộ giáo dục Việt Nam và các nước sở tại (ví dụ: ở Việt Nam dùng website chính thức là “www.moet.gov.vn”, ở Mỹ dùng website “nces.ed.gov”, ở Úc dùng website “teqsa.gov.au”...), xác minh qua Lãnh sự quán, Đại sứ quán nước đó tại Việt Nam. Nếu là công ty tư vấn du học, các trung tâm tuyển sinh phụ huynh và học sinh nên yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của các tổ chức đó. Trường hợp bên tuyển sinh là các trường Đại học trong nước, phải kiểm tra kỹ tính chính thống của thông báo tuyển sinh, trường hợp cần thiết có thể gọi điện đến phòng, ban có chức năng tuyển sinh du học để kiểm chứng thông tin.
2. Không tin tưởng mù quáng vào quảng cáo: Bên tuyển sinh thật sẽ không cam kết “đậu 100%”, không yêu cầu nộp tiền trước khi có thư mời nhập học chính thức hay không đòi phí “xử lý hồ sơ” khi được học bổng,…
3. Cảnh giác khi giao dịch khi thực hiện thủ tục du học, chỉ thanh toán qua tài khoản công ty đăng ký rõ ràng, hóa đơn hợp lệ, đọc kỹ điều khoản hợp đồng, nếu được hãy làm việc trực tiếp, tránh giao dịch online với những tư vấn viên ảo, tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân cũng như các tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc.
4. Không truy cập vào đường link lạ, các liên kết hoặc các tập đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội,…
5. Thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người thân và gia đình về các phương thức lừa đảo và các biện pháp phòng chống.
6. Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo thì ngay lập tức dừng mọi giao dịch, trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý, khóa tài khoản và thay đổi mật khẩu để tránh việc bị lừa đảo.