Để chủ động nhận diện và đề cao cảnh giác, người dân cần nắm bắt và phòng ngừa với một số phương thức, thủ đoạn như sau:
1. Đối tượng tạo các “tài khoản ảo” đăng bài có nội dung nhằm “câu view” để khi bài viết lên xu hướng để đổi thành bài “kêu gọi từ thiện”
Các đối tượng chủ động tạo, xây dựng nhiều “tài khoản ảo” khác nhau trên nhiều nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… nhằm tạo niềm tin cộng đồng mạng, sau đó đăng tải các bài viết có nội dung độc lạ nhằm “câu view”, “câu like trong các hội, nhóm có đông thành viên tham gia, theo dõi nhằm tạo sự tò mò, thu hút cộng đồng mạng quan tâm, để khi bài viết các bài viết này viral (lên xu hướng), được nhiều người quan tâm thì lập tức chuyển thành các bài viết có nội dung ủng hộ kêu gọi từ thiện vì mục đích “cộng đồng” với thông tin không rõ ràng lợi dụng lòng tin hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với trường hợp này, người dân cần cẩn thận xem xét những đặc điểm, nội dung của tài khoản có dấu hiệu lừa đảo như viết hoa tự do, sai chính tả, tài khoản có lượt like và theo dõi rất ít nhưng bài viết nhiều like (yêu thích), nhiều comment (bình luận) có nội dung tương tự hoặc giống nhau… Từ đó, không tự ý click vào các đường link dẫn hay làm theo các yêu cầu.
2. Tạo lập các “tài khoản ảo” để đăng bài “tuyển người”, “việc nhẹ, lương cao”, sao chép hình ảnh nhằm lừa đảo bán hàng trên các hội nhóm
Các đối tượng dùng các “tài khoản ảo” khác nhau tham gia vào các hội nhóm đông thành viên người địa phương tham gia, đăng tải các bài viết có nội dung “tuyển người”, “việc nhẹ lương cao”, “thích làm giờ nào thì làm” với mục đích kiếm thêm thu nhập, đồng thời dùng nhiều “tài khoản ảo” tương tạo vào các bài viết này bình luận để tăng độ uy tín, tạo niềm tin để các tài khoản, người dùng khác đọc tin hoặc nghe theo. Cùng với đó, các đối tượng sao chép các hình ảnh bán hàng không rõ ràng để đăng tải, buôn bán với nhiều mức giá khác nhau, địa chỉ không rõ ràng nhưng khi người dùng mua thì đòi hỏi phải gửi tiền đặt cọc hay ship cod… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua.
Đối với trường hợp này, người dùng mạng xã hội cần chủ động xem xét tính minh bạch tài khoản người bán (thông tin, địa chỉ, số điện thoại…). Nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn, lừa đảo cần chủ động báo cáo đến quản trị viên của hội nhóm để gỡ bỏ, ngăn chặn bài viết hoặc liên hệ cơ quan Công an gần nhất để làm rõ trước khi giao dịch, mua bán.
 |
Hình ảnh các tài khoản Facebook “ảo” do các đối tượng tạo lập đăng tải nội dung trong các hội, nhóm nhằm mục đích lừa đảo (Ảnh internet) |
3. Tạo lập các trang fanpage giả mạo tương tự fanpage chính thống của khách sạn, nhà nghỉ… có thương hiệu nổi tiếng
Các đối tượng sẽ dùng thủ đoạn giả lập các fanpage chính thống của khách sạn, nhà nghỉ… (gọi chung là cơ sở lưu trú) có thương hiệu nổi tiếng tại các vùng, địa phương bằng các tự tạo lập hoặc mua lại rồi đổi thành tên giả giống tương tự như tên của các cơ sở lưu trú… Sau đó, dùng các fanpage “ảo”này sao chép hình ảnh, sử dụng bài đăng tương tự như fanpage thực của chính các cơ sở lưu trú rồi đăng tải trong các hội, nhóm group người địa phương nhằm quảng bá, tư vấn bán các tour du lịch với giá hấp dẫn, thậm chí còn chạy quảng cáo dồn dập, khiến khách hàng bị nhầm lẫn khi tiếp cận. Từ đó dễ dàng thực hiện các hành vi “dụ dỗ”, yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước, chiếm đoạt tài sản lừa đảo người dùng.
Đối với trường hợp này, người dân cần nên tìm kiếm các cơ sở lưu trú tại kênh, địa chỉ uy tín trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, chủ động đối chiếu, xem xét, nhờ người quen đến liên hệ trực tiếp để xác minh làm rõ thực tế địa chỉ của cơ sở, giá phòng… Nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn, lừa đảo cần báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được xác minh, hỗ trợ.